Sử dụng nguồn năng lượng sạch là pin năng lượng mặt trời để có thể sạc cùng lúc nhiều điện thoại ở những nơi không có điện, tiết kiệm thời gian. Ý tưởng được hai bạn Đoàn Trần Viên và Nguyễn Thủy Tiên, học sinh lớp 11 A4 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng sáng chế thành công.
Hai bạn Viên và Tiên bên sản phẩm của mình
Hai bạn Viên và Tiên bên sản phẩm của mình
Ý tưởng của Viên và Tiên xuất phát từ kiến thức đã học về pin năng lượng mặt trời và ý nghĩ nếu chiếc điện thoại di động hết pin khi đang đi du lịch hay ở các vùng hải đảo, vùng rừng núi…mà cần liên lạc với ai đó trong khi điện thoại hết pin, từ đó hai bạn đã tự mày mò tìm các clip chuyên giới thiệu các sáng chế vật dụng dùng năng lượng mặt trời trên mạng để bắt tay thực hiện đề tài.
Tiên cho biết, cả hai đã lùng sục những trang mạng uy tín ở nước ngoài chuyên bán pin năng lượng mặt trời, sau đó nhờ người mua trực tuyến.
“Tụi em đặt mua cả tháng pin mới về tới tận tay. Sau đó, hàn các mối nối lại với nhau và gắn với dây sạc 10 loại điện thoại. Mỗi tấm sạc hoàn thành được kết nối lại với nhau bằng 10 pin nhỏ, giá 1,5 USD/pin và có thể sạc cùng lúc 10 điện thoại với thời gian khá nhanh, khoảng 1- 2 giờ”, Viên cho biết.
Sau khi kết nối thành công các mảng pin, hai bạn lại tiếp tục đến các cửa hàng điện tử tìm mua các loại dây sạc khác nhau để ráp vào thử, nhiều điện thoại khác nhau cũng được hai bạn thử nhiệm nguồn năng lượng hàng tháng trời dưới ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra, để nối những tấm pin năng lượng mặt trời với dây sạc điện thoại cần phải gắn với một mạch ổn áp 5V dùng cho di động. Ban đầu tụi em sáng chế trên tấm giấy nhìn rất cồng kềnh, sau đó được nhiều thầy cô, bạn bè góp ý tụi em đã thực hiện trên bìa sổ, Viên cho biết.
Sau ba tháng thực hiện nghiên cứu, sáng chế sản phẩm, tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời sạc điện thoại di động được hai bạn sáng chế thành công nhìn nhỏ như cuốn sổ tay và mỏng chưa đầy 0,5cm có thể bỏ gọn gàng trong túi xách. Tiên chia sẻ, “Để sản phẩm hoàn thiện và sử dụng được, cần sự cẩn thận rất cao, nếu không sẽ dễ bị cháy. Ban đầu khi mới bắt đầu làm, cả hai đặt mua pin loại mỏng nhỏ, nên hư rất nhiều, nhiều lúc dự án tưởng chừng như phải bỏ dở. Nhưng sau đó, thầy cô động viên, tụi em tiếp tục lục tìm loại pin khác thay thế”.
Với tấm sạc pin điện thoại sử dụng năng lượng mặt trời mà Viên và Thủy Tiên sáng chế, nếu đưa vào sản xuất đại trà, giá chỉ khoảng 300.000 đồng, hoạt động ổn định, không thua kém những sản phẩm trên thị trường.
Ngoài tính tiện lợi, nhỏ gọn và hướng đến đối tượng thu nhập bình dân thì sản phẩm lại tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên mới, sạch. “Với thời tiết nắng nóng như miền Trung thì chuyện sạc pin điện thoại bằng năng lượng có thể ở mọi nơi, đặc biệt chọn sạc vào khoảng 12 giờ trưa, nguồn năng lượng ổn định nhất…”, Tiên nói.
Cũng theo Tiên, sản phẩm có thể thay thế sạc pin dự phòng mà nhiều người sử dụng smartphone đang dùng. “Sạc pin điện thoại dự phòng phải mất một lần sạc gián tiếp từ nguồn điện, nhưng với sản phẩm này thì sạc luôn trực tiếp nhờ ánh nắng mặt trời với thời gian sạc từ 3-4 giờ” - Tiên cho biết.        
Bên cạnh đó, ý tưởng ra đời của sản phẩm này cũng xuất phát một phần do trên thị trường hiện nay có khá nhiều pin dùng năng lượng mặt trời để sạc pin điện thoại di động nhưng hầu hết là hàng Trung Quốc, giá đắt đỏ lại rất mau hư hỏng, không đáng tin cậy. “Tụi em tham khảo ở thị trường có khá nhiều sản phẩm tương tự nhưng toàn xuất xứ từ nhiều nơi của Trung Quốc, giá lại rất cao nên không an tâm. Hi vọng sản phẩm có tính tiện dụng này ra đời, giá rẻ hơn lại đảm bảo sẽ giúp mọi người yên tâm sử dụng”, Tiên tâm sự.
“Với thiết bị này của chúng em, hi vọng rằng sẽ đáp ứng được phần nào đó nhu cầu sử dụng điện vào những ngày cúp điện hoặc ở một số vùng chưa có điện lưới trên cả nước”, Tiên và Viên chia sẻ.
Cô Lê Phạm Liên Chi - giáo viên chủ nhiệm của Viên và Tiên, người đã hành trình cùng sáng chế của hai bạn cho biết, sản phẩm của hai bạn được nhân rộng sẽ rất tiện dụng, bởi đã biết ứng dụng nguồn năng lượng sạch vào cuộc sống.
Ông Phạm Phú Thanh Sơn, phó trưởng phòng tiết kiệm năng lượng (Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng), thành viên ban giám khảo Hội thi khoa học kỹ thuật cấp TP Đà Nẵng năm học 2014-2015, đây là đề tài có tính cơ động, hiệu quả và thẩm mỹ cao. Ngoài ra, sản phẩm của hai em thiết kế đạt yêu cầu cơ bản thiết bị đầu ra. “Nếu được đầu tư, sản phẩm này sẽ có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trên thị trường”, ông Sơn nhận xét.
Sáng chế sạc pin điện thoại bằng năng lượng mặt trời của hai bạn đã đoạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đồng Tháp giữa tháng 3 vừa qua.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
NĂNG LƯỢNG XANH © 2015. Powered by Kiều Thị Hạnh
Top