Đúng 19 giờ 30 ngày 12-12, Đại diện của 195 nước tham gia COP21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của trái đất, với mục tiêu quan trọng nhất là giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C. Thỏa thuận Paris là một văn bản đúng đắn, bền vững, năng động, cân đối và mang tính ràng buộc về pháp lý đáp ứng sự mong đợi và hy vọng của hàng tỷ người nhiều năm qua.
Theo dự kiến, thỏa thuận sẽ được công bố và thông qua vào đầu giờ chiều. Thời gian trôi qua nặng nề, không khí ở hội nghị vẫn không bớt căng thẳng. Các đại biểu xuất hiện nhưng không có tin vui và từ chối trả lời phỏng vấn. Ở bên ngoài phòng họp toàn thể, tất cả phóng viên đều hồi hộp theo dõi những diễn biến ở bên trong. Sự căng thẳng, lo lắng bao trùm khắp nơi vì lo ngại rằng thời điểm thông qua thỏa thuận COP21 tiếp tục lùi lại như ngày 11-12. Sáu tiếng trôi qua mà chưa có kết quả cụ thể.
Thời khắc lịch sử rồi cũng đến khi Chủ tịch COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: Tôi xin mời Hội nghị thông qua thỏa thuận. Tôi không thấy có nước nào phản đối. Rồi ông gõ búa, chính thức tuyên bố thỏa thuận COP21 được thông qua. Cả hội trường dội vang tiếng reo mừng, tiếng vỗ tay kéo dài. Nhiều người còn hét lên vui sướng, trào dâng nước mắt vì một chặng đường đầy thử thách kéo dài suốt 13 ngày ở trung tâm hội nghị Bourget, có lúc tưởng lại thất bại như lần trước, đã khép lại bằng một thỏa thuận được cả thế giới mong đợi.
Đây là một thỏa thuận lịch sử vì lần đầu tiên tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã quyết định cùng bước trên con đường chung để chia sẻ và cùng gánh vác trách nhiệm trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Mục đích quan trọng nhất của thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Có như vậy thì hành tinh của nhân loại mới an toàn hơn, tránh được những tác động xấu nhất của sự biến đổi khí hậu. Thỏa thuận còn hướng tới việc tăng cường khả năng đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận dài 31 trang có ghi, để đạt được những mục tiêu quan trọng và đầy tham vọng này, các nguồn tài chính cần được huy động kịp thời để giúp các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương nhất xây dựng chương trình hành động chống biến đổi khí hậu song song với các mục tiêu quốc gia.
Chủ tịch COP21 Laurent Fabius nói: Thỏa thuận Paris cho phép các đoàn đại biểu trở về với tâm trạng đầy tự hào. Nỗ lực chung của chúng ta có giá trị hơn bất kỳ hành động riêng lẻ nào. Trách nhiệm của chúng ta với lịch sử thật to lớn. Tiếp đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định: Các bạn đã thành công, đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng, có sự ràng buộc và mang tính toàn cầu. Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn hội nghị đã mang đến sự kiện lịch sử này. Các bạn có thể tự hào với các thế hệ con, cháu của chúng ta.
Còn Tổng thư ký LHQ nói: Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của hợp tác toàn cầu để giải quyết một trong những vấn đề phức tạp nhất của nhân loại. Lần đầu tiên, từng nước trên thế giới đã cam kết cắt giảm khí thải, tăng khả năng ứng phó và chung tay vì sự nghiệp chung chống biến đổi khí hậu. Đây là một thành công vang dội đối với tinh thần hợp tác đa phương.
Là một trong những mắt xích quan trọng nhất tại COP21, Thư ký điều hành UNFCCC Christiana Figueres chia sẻ: Một hành tinh, một cơ hội để hành động và chúng ta đã làm được điều đó ở Paris. Chúng ta đã cùng nhau làm nên lịch sử. Đây là một thỏa thuận củja lòng tin, một thỏa thuận của sự đoàn kết với những nơi dễ bị tổn thương nhất. Đây là một thỏa thuận có tầm nhìn lâu dài, vì vậy chúng ta phải chuyển nó thành động lực phát triển an toàn. Những thế hệ sau sẽ nhớ rằng ngày 12-12-2015 là một ngày lịch sử của sự hợp tác, của tầm nhìn, trách nhiệm, với trung tâm là sự chia sẻ và quan tâm. Có được thành công trong thời khắc đáng nhớ này cần phải ghi nhận sự quyết tâm, khả năng ngoại giao và nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ Pháp cũng như sự ủng hộ của chính phủ các nước kể từ COP17 ở Durban (Nam Phi).
Ông Giza Gaspar, Chủ tịch của nhóm các nước kém phát triển nhất nói: Không gì có thể so sánh được với thỏa thuận lịch sử và có tính ràng buộc này. Đây là kết quả tốt nhất mà chúng ta mong đợi đã lâu, không chỉ vì các nước kém phát triển nhất, mà còn cho tất cả người dân trên thế giới.
Thỏa thuận Paris cũng như kết quả của COP21 bao gồm tất cả những lĩnh vực quan trọng như giảm khí thải thật nhanh để có thể đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C, xây dựng hệ thống và chương trình hành động minh bạch để chống biến đổi khí hậu, tăng khả năng của mỗi nước chống lại những tác động của biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi do tác động của biến đổi khí hậu và đóng góp tài chính để các nước có thể xây dựng tương lai xanh. Và đây cũng là lần đầu tiên, thế giới thống nhất là đặt mục tiêu đạt sự cân bằng giữa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hấp thụ từ rừng hay biển vào giữa thế kỷ này.
Cùng với việc xác định phương hướng hành động dài hạn, các nước sẽ đạt đỉnh phát thải khí càng sớm càng tốt và tiếp tục đưa ra các kế hoạch hành động quốc gia với những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Một trong những nỗ lực quốc gia đáng ghi nhận nhất là có tới 188 nước đưa ra kế hoạch hành động quốc gia tại COP21, theo đó sẽ giảm đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thỏa thuận mới cũng thiết lập một nguyên tắc là các kế hoạch hành động quốc gia trong tương lai sẽ không thể ít tham vọng hơn bây giờ, do đó sẽ tạo nền tảng vững chắc cho những mục tiêu sắp tới. Các nước sẽ đưa ra các kế hoạch chống biến đổi khí hậu có điều chỉnh hợp lý hơn trong thời hạn năm năm một lần. Từ nay cho tới 2020, các nước sẽ cùng tham gia những chương trình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng một lộ trình rõ ràng để đóng góp vào quỹ 100 tỷ. Vấn đề này được đánh giá qua hệ thống theo dõi và xem xét minh bạch đối với hành động cũng như khả năng khác nhau của từng quốc gia. Thỏa thuận Paris cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới hàng nghìn thành phố, khu vực cùng các doanh nghiệp và người dân trên khắp thế giới đã cam kết hành động chống biến đổi khí hậu rằng, tầm nhìn của họ về một tương lai có ít nguy cơ và khí thải thấp giờ đã trở thành sự nghiệp chung đối với nhân loại trong thế kỷ này.
Thỏa thuận Paris có đề cập tới việc hỗ trợ các nước đang phát triển và xây dựng một mục tiêu toàn cầu để tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thông qua sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế. Những nỗ lực đầy tham vọng và phổ biến ở các nước đang phát triển nhằm xây dựng tương lai trong lành, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục được các nước phát triển hỗ trợ về mặt tài chính ở mức cao hơn.
Chính phủ các nước đã quyết định là sẽ cùng xây dựng một lộ trình cụ thể để đóng góp đủ 100 tỷ đô-la vào năm 2020, đồng thời xây dựng một mục tiêu đóng góp mới trước năm 2025 tính từ mức này. Tại COP21, hàng loạt nước phát triển và các tổ chức tài chính đã công bố mức tài trợ hàng trăm tỷ đô-la cho những nước dễ bị tổn thương nhất thực hiện chương trình và dự án về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay cho tới 2020. Thỏa thuận mới cũng đề cập rõ đến sự hợp tác quốc tế về phát triển các công nghệ thân thiện môi trường và xây dựng khả năng chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.
Thỏa thuận Paris sẽ được lưu tại trụ sở LHQ ở New York và để mở trong vòng một năm cho các bên tham gia bắt đầu ký từ ngày 22-4-2016, Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ngay sau khi 55 nước, chiếm 55% lượng khí thải, phê chuẩn.

Chủ tịch COP21 Laurent Fabius gõ búa thông qua Thỏa thuận. Ảnh: SG COP21.

Cả hội trường vang tiếng hò reo, vỗ tay mừng thỏa thuận mới. Ảnh: Liberation.

Sự chờ đợi mệt mỏi của báo chí.

Các phóng viên lao về phía các đại biểu tươi cười bước ra khỏi phòng họp

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
NĂNG LƯỢNG XANH © 2015. Powered by Kiều Thị Hạnh
Top