Việt Nam sẽ sớm thành nước nhập khẩu năng lượng. Điều này có tính hai mặt cả về an ninh và chính trị, đó là Việt Nam sẽ vừa là một đối thủ cạnh tranh, vừa phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Cả vấn đề Biển Đông và nguồn nước (cho thủy điện) đều chứa đựng những mâu thuẫn tiềm ẩn. Các cơ hội thương mại lớn đang mở ra khi Việt Nam cố gắng đạt mức tăng nhu cầu (năng lượng) gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới. Một mình Việt Nam sẽ khó có thể thực hiện việc này với các khoản đầu tư “ít các bon”.

Năng lượng Việt Nam – từ tự cung cấp sang nhập khẩu

Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam tăng nhanh (12%/năm) hơn cả mức tăng GDP (khoảng 7,3%/năm từ 1998-2008), là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, điện khí hóa nông thôn và phát triển giao thông mạnh mẽ. Về ý nghĩa kỹ thuật, hệ số đàn hồi năng lượng của Việt Nam cao, ở mức 1,7, có nghĩa là Việt Nam đang ngày càng trở nên kém hiệu quả trong sử dụng năng lượng: cường độ năng lượng của nền kinh tế Việt Nam tăng từ 387kg dầu tương đương (kgoe)/ 1.000USD GDP năm 1998 lên tới 600kgoe/1000USD năm 2010, và cao hơn nhiều so với Thái Lan (400kgoe), hay Nhật Bản (100kgoe). Những nguồn trợ giá nhằm duy trì giá điện và các năng lượng khác thấp hơn mức thị trường là một trong những nguyên nhân của vấn đề này.
Trong khi các nước trên thế giới có cường độ điện/GDP ngày càng giảm, có nghĩa là để làm ra 1 USD, họ tiêu thụ ít điện hơn, thì Việt Nam lại có cường độ điện ngày càng tăng. Sử dụng năng lượng kém hiệu quả do đầu tư không hiệu quả và bảo hộ giá điện được xem là nguyên nhân chính. Nguồn hình: Quy hoạch điện VII, Viện Năng lượng 2010

Sự kết hợp của cường độ năng lượng tăng, cùng với sự tăng trưởng kinh tế dẫn tới mức tăng trưởng khổng lồ về sử dụng năng lượng trong vòng 10 năm qua: sử dụng than tăng 15,7%/năm, tiêu thụ điện tăng 15,1%, và sử dụng sản phẩm dầu tăng 8,7%/năm.

Nhu cầu năng lượng Việt Nam dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới (12% mỗi năm). Cung cấp năng lượng nội địa sẽ không thể duy trì tăng được, và Việt Nam được dự báo sẽ từ nước xuất khẩu năng lượng trở thành nước nhập khẩu năng lượng (dầu thô hiện là sản phẩm xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam) vào năm 2015. Hiện nay, Việt Nam đã và đang nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện của Lào, Trung Quốc, và đang phụ thuộc vào cả 2 nước này trong việc duy trì dòng chảy cho các trạm thủy điện trong nước, nguồn cung cấp 43% điện năng cho cả Việt Nam. Khí thiên nhiên đang đóng góp 23%, và than đóng góp 18% khác cho sản xuất điện. Việt Nam có cả 2 nguồn cung cấp năng lượng nội địa này. Việc chuyển đổi tất yếu thành nước nhập khẩu năng lượng này đang khiến cho các nhà chính trị phải lưu tâm, nhập khẩu hay thiếu hụt năng lượng hay cả hai đang là vấn đề khó khăn về mặt chính trị.
Nguồn: Quy hoạch điện VII. Viện Năng lượng, 2010

Kế hoạch của chính phủ

Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia kỳ vọng sẽ giữ mức nhập khẩu năng lượng dưới 3% mức tổng tiêu thụ vào năm 2020. Dự báo điện hạt nhân sẽ tăng từ con số 0 (hiện nay) lên 2,1% tổng cung điện năng năm 2020 (và từ 15-20% tới năm 2050). Cả Nga và Nhật đều đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Hơn nữa, trong vòng 8 năm tới, Việt Nam đặt kế hoạch xây dựng thêm 95 nhà máy điện truyền thống, với công suất lên tới 49.044MW, và đầu tư khoảng 49 tỷ USD.
Chính trị quốc tế

Nhu cầu năng lượng đang tăng lên của Việt Nam có thể làm phức tạp hóa mối quan hệ quốc tế của nước này. Trước hết, với thủy điện, Việt Nam phụ thuộc vào các dòng sông chảy qua Lào, và Trung Quốc. Trung Quốc cũng có thể tăng giá điện bán cho Việt Nam (ví dụ như lần tăng 13% vào tháng 05/2011 vừa rồi). Việc chậm tiến độ xây dựng của nhiều nhà máy điện mới (do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện) sẽ làm tăng thêm thiếu hụt điện năng ít nhất là trong ngắn hạn.

Thứ hai, việc tìm kiếm các nguồn cung nội địa cho dầu, khí dường như cũng sẽ làm phức tạp thêm sự tranh cãi tại Biển Đông với Trung Quốc, có thể cả với Đài Loan, Phi-líp-pin, Malaysia, và Brunei, khi họ đang tuyên bố chủ quyền trên cùng vùng đảo. Việt Nam đã và đang khai thác dầu từ một vùng liền với khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Nói một cách lạc quan hơn, Việt Nam đang tăng nhu cầu năng lượng nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhập khẩu điện năng từ Lào, Trung Quốc sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp và giúp nền kinh tế của họ tự chủ hơn.
Theo số liệu, tiềm năng gió của Việt Nam rất lớn, lớn hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất điện dự báo của EVN cho toàn quốc vào năm 2020. Nguồn: Wind atlas 2001

Nhận xét

Việt Nam đang nóng lòng tăng sản xuất năng lượng nội địa, nhằm kìm hãm quá trình chuyển đổi sang nhập khẩu năng lượng. Quyết định tăng giá điện của nước này vào Tháng 2/2011 lên mức giá thị trường là một dấu hiệu cho thiện ý khai thác các nguồn lực thị trường, và sự kiên quyết thực hiện lựa chọn điện hạt nhân cho dù thảm họa của Nhật Bản là một minh chứng khác cho việc họ nhận ra sức hút từ nhu cầu cung cấp năng lượng của mình. Mặc dầu có sự nhạy cảm về việc thống trị của Trung Quốc trong khu vực, chúng tôi (ĐSQ Anh tại Hà Nội) dự đoán rằng các nhà đầu tư nước ngoài, như Anh, sẽ rất được chào đón ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều công ty dầu mỏ của Anh đang hoạt động hết sức thành công trong vùng biển Đông: Premier Oil đang dẫn đầu về nguồn đầu tư Anh Quốc vào Việt Nam lớn chưa từng có (1 tỷ USD). Đại Sứ Quán Anh tại VN đang thực hiện một dự án về Hợp tác Công-Tư với chính phủ Việt Nam, với mục đích giúp mở khóa các nguồn tài chính, và mở cánh cửa với nhà đầu tư Anh Quốc.

Bao nhiêu trong nguồn đầu tư này sẽ là đầu tư “ít các bon” vẫn còn là một câu hỏi. Với phần lớn các nguồn nước (thủy điện) đến từ Lào và Trung Quốc, điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ không lựa chọn điện hạt nhân. Lượng than nội địa mà Việt Nam hiện có khiến than trở thành sự lựa chọn ưu tiên cho các dự án điện mới (dự báo 13 nhà máy điện than sẽ được xây mới vào 2025). Phát thải các bon của Việt Nam do đó sẽ tiếp tục tăng lên.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
NĂNG LƯỢNG XANH © 2015. Powered by Kiều Thị Hạnh
Top