Các chuyên gia cùng nhiều người trẻ tụ họp để bàn về sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đối phó nguy cơ cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch. Theo đánh giá của các chuyên gia tại buổi tọa đàm "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam" tổ chức cuối tuần qua, mức tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng, trong khi nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do đó năng lượng đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia cho biết, mức tăng trưởng điện năng hàng năm ở Việt Nam là 13-14%, nhưng tăng trưởng kinh tế mới khoảng 6-7%. Như vậy, tốc độ tăng điện cao gấp đôi so với mức tăng kinh tế, còn ở các nước khác là ngang nhau. Pin năng lượng mặt trời là sản phẩm năng lượng hiệu quả và tái tạo năng lượng.

"So với các nước trên thế giới, nước ta tiêu thụ 1kwh điện nhưng chỉ sản xuất ra hàng hóa trị giá 1 USD, còn Philipinnes làm ra 2 USD, Hàn Quốc 3 USD, Nhật Bản là 4 USD", giáo sư Hiển nói. Theo ông Phạm Duy Hiển, trong điều kiện biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có giải pháp sử dụng hiệu quả, trong đó có nguồn năng lượng mới và tái tạo. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này ở Việt Nam vẫn chưa được chú ý. "Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng bền vững, vì thời gian tới năng lượng hóa thạch sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt", ông Hiển nói. Bà Nadia Charady, Giám đốc tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung tại Hà Nội nói: “Sức ép về nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt khiến nhiều quốc gia phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Con người đã có thể khai thác các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời, địa nhiệt, thuỷ triều và sinh khối. Ngoài việc tìm kiếm năng lượng thay thế, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp hiệu quả”. Tham gia buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhiều bạn trẻ. Ông Hoàng Đức Minh, giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu (RAECP) cho biết, đây là cơ hội để các bạn trẻ nâng cao hiểu biết về các vấn đề năng lượng con người đang phải đối mặt, từ đó thúc đẩy hành động và đưa ra giải pháp để tiết kiệm năng lượng. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng tiềm tàng cho năng lượng tái tạo. Về bức xạ mặt trời, Việt Nam có đến 2.000 đến 2.500 giờ nắng/năm, với lượng bức xạ mặt trời 150 Cal/cm2/ năm. Về gió, khu vực miền Trung, hải đảo có tốc độ gió trung bình 4m/s ở độ cao 12m có thể lắp đặt các tuabin gió. Về điện địa nhiệt có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng ở Tây Bắc và Trung bộ. Buổi tọa đàm do Mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam hợp tác với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Viện Rosa Luxemburg (Đức) tổ chức.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
NĂNG LƯỢNG XANH © 2015. Powered by Kiều Thị Hạnh
Top