Với tổng công suất (tiềm năng) khoảng 35.000 MW, điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm, thủy điện nhỏ là nguồn năng lượng sạch có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.
Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ thời gian qua đã đóng góp một phần sản lượng điện đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia.
Ở nước ta, với hơn 3.450 sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện về lý thuyết khá lớn với tổng công suất (tiềm năng) khoảng 35.000 MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm.
Tuy nhiên, về mức độ khả thi, thì chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW với điện lượng khoảng 100 tỷ kWh/năm. Đây là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.
Đảng và Chính phủ những năm qua đã có nhiều văn bản về phát triển thủy điện nhỏ trên toàn quốc, như Kết luận số 26-KL/TW ngày 24-10-2003 của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg ngày 5-10-2004 về chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam, Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18-7-2007 về phát triển điện lực Quốc gia các giai đoạn 2006-2015 (Qui hoạch điện VI), Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 về chiến lược phát triển năng lượng.
Để đáp ứng nhu cầu cao về năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai nghiên cứu quy hoạch thủy điện để khai thác.Theo đó, nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, thủy điện...) được ưu tiên phát triển, nhất là các công trình thủy điện có lợi ích tổng hợp (cấp nước, chống lũ, chống hạn...), khuyến khích đầu tư các nguồn thủy điện nhỏ với nhiều hình thức để tận dụng nguồn năng lượng sạch, tái sinh).
Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ (công suất lắp máy <30 MW) trong thời gian qua đã đóng góp một phần sản lượng điện đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia, góp phần tận dụng được nguồn năng lượng thiên nhiên hiện có.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, một số dự án thủy điện nhỏ trong quá trình thi công đã để xảy ra một số sự cố đáng tiếc như vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2 hai lần (Gia Lai), vỡ đập dâng Đăk Mek (Kon Tum), sụt hầm dẫn thủy điện Đa Dâng Chomo (Lâm Đồng),… đã làm thiệt hại về kinh tế cho xã hội và chủ đầu tư, đồng thời tạo dư luận không tốt trong xã hội, có những cách nhìn nhận, đánh giá chưa đúng về việc phát triển thủy điện nói chung.
Trong những năm qua, việc khai thác tiềm năng và phát triển thủy điện một cách bền vững, lâu dài và hiệu quả đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình và an toàn công trình trong quá trình thi công và vận hành các dự án thủy điện, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 27-11-2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện.
Tiếp theo đó, ngày 18-2-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội.
Chương trình hành động của Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và phương pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết số 62 một cách cụ thể, thống nhất và đồng bộ từ các Bộ, ngành Trung ương đến các địa phương.
Các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung nhiệm vụ được giao, đã khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với tinh thần nghiêm túc và quyết liệt.
Với chức năng là Bộ quản lý ngành, để kịp thời triển khai Nghị quyết 11, ngày 10-3-2014, Bộ Công Thương đã Ban hành Quyết định số 2046/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh có các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn, trực tiếp kiểm tra tại một số địa bàn trọng điểm; thực hiện rà soát, đánh giá quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn cả nước.
Mục tiêu là nhằm loại bỏ (hoặc nghiên cứu điều chỉnh hợp lý quy mô, công suất) các dự án thủy điện nhỏ hiệu quả thấp, quy mô nhỏ, không có nhà đầu tư quan tâm đăng ký, tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, ảnh hưởng không tốt đến các quy hoạch khác, không thuận lợi về giao thông và đấu nối lưới điện,...
Tính đến thời điểm báo cáo Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014), kết quả rà soát đã loại khỏi quy hoạch 439 dự án; xem xét thu hồi chủ trương đầu tư 47 dự án; không đưa vào quy hoạch 178 vị trí tiềm năng; gia hạn có thời hạn đối với 13 dự án.
Đối với các dự án thủy điện còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới triển khai thi công ở giai đoạn đầu, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh và chủ đầu tư các dự án tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hiệu quả và các tác động môi trường - xã hội.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện.
Theo đó, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng công trình, đảm bảo môi trường,... Nếu sai phạm đến mức nghiêm trọng cần phải xử lý theo quy định của pháp luật.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét